Logo – Anh là ai?
Có nhiều yếu tố để kiến tạo nên một Hệ thống nhận diện thương hiệu, nhưng tôi muốn đề cập và tập trung đến Logo vì đây là một trong những thành phần quan trọng cấu thành hệ thống này. Logo vừa gần gũi với nhiều người, nhưng cũng không ít người quan niệm khác nhau về nó. Trong gia đình, công sở, siêu thị, trường học…đâu đâu ta cũng bắt gặp logo. Mỗi logo lại tạo nên những câu chuyện, những cảm nhận và thông điệp riêng về chính nó và về chủ sở hữu. Mỗi tầng lớp, mỗi đối tượng cũng có cái nhìn, cách đánh giá, sở thích riêng về logo.
Như chuyện kể lại, chúng ta nhắc lại câu hỏi: logo là gì?
Có nhiều tài liệu nêu ra các định nghĩa có phần khác nhau về logo, khi mang tính khái quát, tổng hợp, khi sa vào liệt kê chi tiết. Tuy nhiên, các định nghĩa đều hướng chung đến nội dung: “Logo là dạng tín hiệu tạo hình thẩm mỹ, có cấu trúc hoàn chỉnh chứa đựng một lượng thông tin hàm súc, biểu đạt đặc trưng và là hình ảnh đại diện của một công ty, một tổ chức, một hoạt động (như một cuộc thi, phong trào...) hay một ban nhóm, thậm chí cho một cá nhân…” Logo có thể ở dạng hình, dạng chữ hay dạng tổng hợp cả hình và chữ. Người ta còn chia ra logo ở dạng linh vật hay một số dạng khác nữa nhưng theo tôi, về hình thức chỉ cần phân theo 3 kiểu dạng trên cũng xem như là đủ.
Ở mỗi dạng, logo lại có vô số cách thể hiện. Ở mỗi thời kỳ, logo phát triển trên nhiều phong cách và xu hướng thiết kế. Dưới góc độ tạo hình, logo mang tính nghệ thuật. Logo cần đảm bảo các quy luật về thị giác, cân nhắc các mối tương quan giữa các yếu tố tạo hình như: mảng miếng, đường nét, màu sắc, không gian và kiểu dáng... Dưới góc độ công năng, logo cần đảm bảo tính dễ nhận diện, không quá trừu tượng, bí ẩn, đảm bảo tính hiển thị, ấn tượng và dễ nhớ, ứng dụng đa dạng…đáp ứng sự tiếp cận của đối tượng cần truyền thông cùng thị trường mục tiêu. Vì vậy người ta mới có câu: “Logo design is science” - Thiết kế logo là khoa học, thật không sai!
Chính với những định nghĩa và sự thiên biến vạn hóa về phong cách, kiểu dáng, hình thức thể hiện của logo như vậy, khiến không ít người (đặc biệt là các chủ doanh nghiệp) đang có ý định xây dựng cho công ty của mình một hình ảnh logo, phân vân và đắn đo khi chọn lựa nhà tư vấn, cung cấp dịch vụ thiết kế. Họ càng phân vân khi chọn lựa kiểu, hình tượng, màu sắc…cho logo của mình.
Một thị hiếu thẩm mỹ, một thị hiếu về logo
Cách đây không lâu một khách hàng đã đề nghị Công ty của tôi xây dựng cho doanh nghiệp do anh sở hữa một logo theo yêu cầu. Sau các bước thực hiện theo quy trình đã đề ra, Bộ phận thiết kế chúng tôi tổng hợp được các thông tin liên quan rất chi tiết về yêu cầu logo của anh và thực hiện các phác thảo. Sau nhiều option, anh rất ưng ý một phương án nhưng một mực muốn thêm vào chi tiết hình tròn bao quanh toàn bố cục của logo. Anh cũng muốn thêm một chi tiết khác nữa vào bố cục đã có này. Bộ phận tư vấn của chúng tôi đã cố gắng thuyết phục về sự bất khả thi này nhưng anh quả quyết rằng đó là cách anh lựa chọn cho hình ảnh logo cuối cùng của mình. Quả là một thách thức đối với các designer về việc cân nhắc giữa sự lựa chọn của khách hàng và chất lượng sản phẩm của mình trong tình huống trên.
Tất nhiên, cũng không thể đem vấn đề nhận thức về chuyên môn để quy chiếu lên tất cả các đối tượng khác hàng, bởi ở đây, ngoài khả năng nhận thức về chuyên ngành để đưa ra quyết định lựa chọn logo của một người còn liên quan đến vấn đề thị hiếu thẩm mỹ ở mỗi cá nhân đó. Chúng ta lại “chạm phải” một phạm trù rộng của mỹ học đó là Thị hiếu thẩm mỹ. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về thị hiếu thẩm mỹ của con người dù ở góc độ cá nhân hay xã hội. Có quan điểm tuyệt đối hóa vai trò của thị hiếu cá nhân, năng lực bẩm sinh của cá nhân, hoặc tuyệt đối hóa thị hiếu xã hội của các cộng đồng người như giai cấp, dân tộc, thời đại. Chẳng hạn, Môngteskiơ cho rằng thị hiếu thẩm mỹ là “cái thu hút chúng ta chú ý tới đối tượng bằng tình cảm”. Ngược lại Rútxô coi: “Thị hiếu thẩm mỹ là năng lực nhận xét về cái mà đông đảo mọi người thích hay không thích”. Còn Cantơ nhận thấy tính phức tạp và tính cá nhân của thị hiếu thẩm mỹ, nên cho rằng “về thị hiếu không nên bàn cãi”. Trong các giáo trình, tài liệu hiện nay ở ta nhấn mạnh: “thị hiếu thẩm mỹ vừa mang tính cá nhân và tính xã hội, là mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung và nó phụ thuộc vào những điều kiện lịch sử xã hội nhất định. Thị hiếu thẩm mỹ mang dấu ấn cá nhân, là sở thích của cá nhân, nhưng đồng thời nó mang tính xã hội sâu sắc và phụ thuộc vào thị hiếu chung của xã hội theo những chuẩn mực của hoạt động đánh giá thẩm mỹ của xã hội.”
Với logo, yếu tố thẩm mỹ đã là một phần lớn làm ảnh hưởng đến quyết định việc lựa chọn logo của người sử dụng. Vì vậy, logo được ưa dùng như thế nào phụ thuộc rất rõ vào thị hiếu thẩm mỹ của những chủ nhân. Rõ ràng, các tiêu chí thẩm mỹ tạo hình và các tiêu chí về công năng sử dụng… thì yếu tố thẩm mỹ đã bao trùm lên khá nhiều các tiêu chí nhỏ chứa đựng bên trong, tạo nên một chuẩn mực của logo.
Quan niệm thị hiếu thẩm mỹ về logo theo tôi cũng không vượt ra ngoài quan niệm về thị hiếu thẩm mỹ nói chung. Chúng tôi quy ước rằng, với những đối tượng khách hàng hay áp đặt thị hiếu của mình trong thiết kế logo, thì nhiệm vụ của chúng tôi là phải dung hòa được sở thích, thị hiếu của khách hàng đó với các chuẩn mực của thiết kế, xây dựng logo mà chúng tôi có được qua đào tạo và tích lũy trong quá trình làm việc, học tập và nghiên cứu.
“Chọn mặt gửi vàng”
Để chọn lựa, xây dựng được logo của mình, hiện nay, một số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… có điều kiện thì thường mở hẳn một cuộc thi thiết kế logo. Cách làm này có thể kêu gọi được một số nhà chuyên môn tham gia, tạo được sự cộng hưởng về truyền thông cho thương hiệu của mình, tuy nhiên sẽ phản tác dụng nếu tổ chức một cách hời hợt, qua loa, không bài bản. Với một Hội đồng thẩm định yếu về chuyên môn, có thể bạn sẽ phải sở hữu một logo không tốt đi cùng sự tốn kém, lãng phí không đáng có của nó.
Một số khác, có thể vì hạn chế về thời gian hay tài chính lại lựa chọn phương án tự trang bị logo cho chính mình. Trường hợp này thường do các cá nhân có tầm ảnh hưởng của chủ thể, quá tâm đắc với ý tưởng của mình mà áp đặt các quan điểm của cá nhân lên hình ảnh logo sẽ lựa chọn. Cũng như trên, theo tôi, logo không nên là một tác phẩm thuần túy theo thị hiếu cá nhân, mà nó cần hội tụ một loạt các yếu tố có tính chất xã hội, cụ thể hơn nó cần nhắm đến khách hàng mục tiêu hay đối tượng cần truyền thông. Vì vậy, có lẽ bạn cần cân nhắc kỹ khi áp dụng phương án tự mình thiết kế?
Trường hợp khác, có thể bạn nghĩ đến việc sử dụng clip art logo. Theo ý kiến của tác giả bài viết “Những lời khuyên để có một thiết kế logo tốt” đăng trên website The Logo Factory thì “Đây không phải ý hay – những hình ảnh này không được phép sử dụng làm logo hoặc nếu được đi chăng nữa, nó đã được sử dụng bởi rất nhiều người. Hoặc bạn nghĩ đến việc download mẫu logo cũng là một ý tưởng tồi – vì hầu hết những site chứa template này đều khuyết danh và bạn sẽ không bao giờ đảm bảo được liệu tác phẩm của bạn có là nguyên gốc”. Phải chăng, đây là một ý kiến đúng đắn!
Còn lại, thông thường chỉ có một trong hai cách tốt nhất để có được một logo độc nhất, thành công nhất, đó là làm việc với nhà thiết kế dày dặn kinh nghiệm để có được cái bạn muốn. Hoặc bạn phải bỏ rất rất nhiều công sức tiền bạc như Nike hay Google…để quảng bá, tích lũy giá trị cho cái logo độc đáo mà bạn tự thiết kế trên khắp mọi nơi.
0 USD: Logo đầu tiên của Google do nhà đồng sáng lập Sergey Brin thiết kế năm 1998. Tuy được thay đổi vài lần nhưng về cơ bản nó vẫn giống như cũ.
Ngược lại, Steve Jobs đánh giá rất cao giá trị của logo nên đã thuê Paul Rand vẽ logo cho công ty máy tính NeXT với giá 100.000 USD năm 1986.
Tuy năm nay mới diễn ra, logo dành cho Olympics London đã được Wolff Ollins thiết kế từ năm 2007 với giá 625.000 USD
Tập đoàn ngân hàng New Zealand (ANZ) đã đầu tư số tiền khổng lồ 15 triệu USD cho logo năm 2009.
Nhưng mức đó còn thua xa so với con số 211 triệu USD cho việc thiết kế lại logo của British Petrol (BP) năm 2008.
Lê Thọ - Phòng Thiết kế, Sản xuất
www.anvang.com.vn / www.thietkenhanhieu.net